1. Trách nhiệm của Tổ chức và Hộ gia đình
Tổ chức và Hộ gia đình có trách nhiệm đảm bảo chỉ có gỗ hợp pháp đi vào chuỗi cung ứng, bao gồm cả nguồn gỗ trong nước, và đối với gỗ nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định tại Mục 4.4 của Phụ lục V (Trách nhiệm của các bên liên quan trong OCS).
Tổ chức và Hộ gia đình có trách nhiệm lập hồ sơ và báo cáo theo dõi nhập, xuất gỗ, tuân thủ các yêu cầu về báo cáo cho các cơ quan Chính phủ có liên quan theo quy định của pháp luật để đối chiếu khối lượng nhập, xuất và xác định nghi ngờ về lô gỗ theo quy định tại mục trách nhiệm giải trình của cơ quan Chính phủ dưới đây. Trách nhiệm về quản lý chuỗi cung của Tổ chức và Hộ gia đình được quy định tại Phụ đính 2 của Phụ lục V.
2. Trách nhiệm của cơ quan Chính phủ
Hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng do các cơ quan Chính phủ thực hiện, trong đó Cơ quan Kiểm lâm sở tại có trách nhiệm chính trong việc thực hiện kiểm tra tại mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng và lưu trữ tài liệu, được quy định tại Phụ đính 2 của Phụ lục này.
Trách nhiệm kiểm soát chuỗi cung ứng của Cơ quan Kiểm lâm bao gồm:
a) Tiếp nhận, vào sổ và lưu trữ việc khai báo về chuỗi cung ứng của Tổ chức và Hộ gia đình;
b) Kiểm tra thực tế theo hệ thống, ngẫu nhiên và đột xuất, đặc biệt trên cơ sở phân tích dữ liệu chuỗi cung ứng;
c) Phân tích dữ liệu phục vụ đối chiếu khối lượng giữa:
- Dữ liệu về khối lượng tại các giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng như được nêu trong Mục 6.2 (Các điểm kiểm soát quan trọng trong chuỗi cung ứng của VNTLAS);
- Dữ liệu về khối lượng của người bán với người mua;
- Dữ liệu khai báo của Tổ chức và Hộ gia đình với thực tế lô gỗ;
- Phân tích nhập và xuất tại các khu chế biến;
- Kiểm tra Tổ chức và Hộ gia đình khi có nghi ngờ về lô gỗ.
d) Xác minh và xác nhận thông tin trong Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản của các Tổ chức chế biến, kinh doanh gỗ từ rừng tự nhiên trong nước;
e) Kiểm tra Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản của Tổ chức là một phần của việc kiểm tra hệ thống và kiểm tra đột xuất về nghi ngờ rủi ro.
Việc kiểm tra đối chiếu trên được thực hiện tại từng giai đoạn của chuỗi cung ứng theo quy trình, thủ tục hiện hành và dựa trên các hệ thống quản lý và thu thập dữ liệu, sẽ được sửa đổi hay xây dựng trước khi vận hành cơ chế cấp phép FLEGT.
Kiểm soát chuỗi cung ứng được thực hiện theo kế hoạch, bao gồm kiểm tra hệ thống và kiểm tra ngẫu nhiên. Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện hoặc nhận được bất kỳ thông báo về dấu hiệu vi phạm của Tổ chức và Hộ gia đình.
Tại mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng, Cơ quan Kiểm lâm kiểm tra các yếu tố sau đây:
- Sự phù hợp giữa hồ sơ và lô gỗ thực tế;
- Việc lưu trữ Hồ sơ lâm sản;
- Kiểm tra các bằng chứng khác liên quan đến các nguồn gỗ đối với Hộ gia đình và Tổ chức;
- Kiểm tra sự phù hợp giữa bên mua và bên bán khi xác định có nghi ngờ rủi ro về lô gỗ.
Trách nhiệm của Cơ quan Hải quan đối với việc kiểm soát gỗ quá cảnh bao gồm:
- Tiếp nhận, vào sổ và lưu trữ hồ sơ hải quan của thương nhân;
- Kiểm tra tài liệu và kiểm tra thực tế một cách hệ thống, ngẫu nhiên và đột xuất, đặc biệt là dựa trên hệ thống đánh giá rủi ro của Hải quan;
- Phân tích và cung cấp dữ liệu cho việc đối chiếu khối lượng giữa điểm nhập vào và điểm tái xuất khỏi Việt Nam.
Nguồn: toàn bộ nội dung trên được trích xuất từ VPA/FLEGT