Quản lý vi phạm
Các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam được áp dụng để xử lý các trường hợp không tuân thủ Định nghĩa gỗ hợp pháp và kiểm soát chuỗi cung ứng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động có thời hạn và/hoặc truy tố đối với các Tổ chức, Hộ gia đình có thể được áp dụng.
Đối với Tổ chức: Hồ sơ vi phạm được xem xét là một tiêu chí phân loại Tổ chức được quy định tại Mục 5 và Bảng 2 của Phụ lục V (Hệ thống phân loại tổ chức và xác minh dựa trên rủi ro). Nếu Tổ chức tái phạm hành vi vi phạm hành chính hoặc hình sự về lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản sẽ bị áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc hơn.
Đối với Hộ gia đình: Hồ sơ vi phạm là cơ sở để xem xét áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nếu có tái phạm hành vi vi phạm hành chính hoặc hình sự về lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản.
Bất kỳ vi phạm nào sẽ được xử lý trong khoảng thời gian cụ thể theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hồ sơ vi phạm
Nếu kiểm tra hệ thống hoặc kiểm tra ngẫu nhiên phát hiện sự không tuân thủ trong chuỗi cung ứng thì Cơ quan Kiểm lâm sẽ thực hiện xác minh bổ sung để xem xét có vi phạm hay không. Khi phát hiện có vi phạm, Cơ quan Kiểm lâm sẽ lập biên bản theo quy định pháp luật.
Hồ sơ vi phạm được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng như được mô tả dưới đây.
Hồ sơ vi phạm bao gồm các vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và các ngành liên quan khác được quy định trong Phụ lục II. Hồ sơ vi phạm và các biện pháp khắc phục tương ứng được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu liên quan về việc xử lý vi phạm mà đã được tích hợp trong cơ sở dữ liệu của Hệ thống OCS và được xem xét trong quá trình xác minh trước khi cấp phép FLEGT.
i) Cơ sở dữ liệu về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng
Cơ sở dữ liệu về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là bộ cơ sở dữ liệu vi phạm pháp luật về lâm nghiệp của Tổ chức và Hộ gia đình trên toàn quốc được cập nhật, tích hợp và sử dụng làm cơ sở để đánh giá việc tuân thủ pháp luật của Tổ chức và Hộ gia đình không chỉ tại địa phương nơi Tổ chức có trụ sở và Hộ gia đình cư trú mà còn tại các địa phương khác nơi Tổ chức và Hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm sản.
Cơ sở dữ liệu về vi phạm lâm luật bao gồm các chức năng:
- Sửa đổi và ban hanh văn bản PL (nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn về quản lý gỗ nhập khẩu);
- Bộ NN và PTNT sẽ định kỳ ban hành danh mục loài rủi ro cao và ít rủi ro, danh mục các quốc gia/vùng lãnh thổ tích cực/ít rủi ro;
- Tập huấn hướng dẫn cho DN và các cơ quan thực thi của CP (Kiểm lâm và Hải quan) về qui định mới liên quan đến gỗ nhập khẩu;
- Thành lập đường dây nóng tại Tổng cục Lâm nghiệp để hỗ trợ DN thực hiện Hiệp định VPA nói chung và về gỗ nhập khẩu nói riêng.
Cơ sở dữ liệu này do Cục Kiểm lâm quản lý và được kết nối với các Chi cục Kiểm lâm tỉnh trên toàn quốc thông qua hệ thống internet.
ii) Cơ sở dữ liệu về sự vi phạm của các cơ quan Chính phủ khác
Thông tin về vi phạm và không tuân thủ được lưu trữ trên cổng thông tin điện tử hoặc cơ sở dữ liệu do các chủ thể xác minh khác quản lý sẽ được xem xét trong quá trình đánh giá phân loại tổ chức và xác minh dựa trên rủi ro, được quy định tại Mục 12.2.6 của phụ lục V (Trách nhiệm của cơ quan Chính phủ trong quản lý và lưu trữ dữ liệu).
Nguồn: toàn bộ nội dung trên được trích xuất từ VPA/FLEGT