Định nghĩa gỗ hợp pháp của Việt Nam

Định nghĩa gỗ hợp pháp (LD) bao gồm các nguyên tắc, tiêu chí, chỉ số và bằng chứng về gỗ hợp pháp theo quy định pháp luật của Việt Nam được quy định tại phụ lục II của VPA. LD sẽ được cập nhật, bổ sung trong quá trình thực thi Hiệp định theo quy định tại Điều 24 của Hiệp định này. LD là một cấu phần không thể tách rời của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) như quy định tại Phụ lục V.

Phụ lục này được Tổ công tác liên ngành xây dựng thông qua quá trình tham vấn rộng rãi với các cơ quan chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức dân sự xã hội, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng địa phương. Các hình thức tham vấn gồm: tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan, góp ý trực tuyến và lấy ý kiến góp ý bằng văn bản từ các tổ chức, cá nhân về các dự thảo của LD.

Văn bản pháp luật Việt Nam dẫn chiếu trong Phụ đính 1A và 1B của Phụ lục này được công bố công khai, bao gồm: Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định và Thông tư của Bộ hoặc liên Bộ.

CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG ĐỊNH NGHĨA GỖ HỢP PHÁP

LD được xây dựng cho hai nhóm đối tượng (Tổ chức và Hộ gia đình) như được xác định tại mục 2.2.1 của Phụ lục V, nhằm phản ánh sự khác nhau về quy định luật pháp mà hai nhóm đối tượng này phải tuân thủ, đồng thời giúp thiết kế Hệ thống VNTLAS rõ ràng, cụ thể và khả thi như quy định tại Phụ lục V.
LD cho Tổ chức được quy định tại Phụ đính 1A và LD cho Hộ gia đình được quy định tại Phụ đính 1B của Phụ lục này.

LD được chia thành 7 nguyên tắc như sau:

1. Đối với Tổ chức
Nguyên tắc I: Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quản lý, môi trường và xã hội
Nguyên tắc II: Tuân thủ các quy định về xử lý gỗ tịch thu
Nguyên tắc III: Tuân thủ các quy định về nhập khẩu gỗ
Nguyên tắc IV: Tuân thủ các quy định về vận chuyển và buôn bán gỗ
Nguyên tắc V: Tuân thủ các quy định về chế biến gỗ
Nguyên tắc VI: Tuân thủ các quy định về xuất khẩu
Nguyên tắc VII: Tuân thủ các quy định về thuế và lao động

2. Đối với hộ gia đình
Nguyên tắc I: Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quản lý và môi trường và xã hội
Nguyên tắc II: Tuân thủ các quy định về xử lý gỗ tịch thu
Nguyên tắc III: Tuân thủ các quy định về nhập khẩu gỗ
Nguyên tắc IV: Tuân thủ các quy định về vận chuyển và buôn bán gỗ
Nguyên tắc V: Tuân thủ các quy định về chế biến gỗ
Nguyên tắc VI: Tuân thủ các quy định về xuất khẩu
Nguyên tắc VII: Tuân thủ các quy định về thuế

Nguồn: tài liệu tập huấn doanh nghiệp về VPA/FLEGT tháng 3/2017 của Tổng cục Lâm nghiệp

LD áp dụng cho Tổ chức và cho Hộ gia đình bao gồm 7 nguyên tắc chung nêu trên, tuy nhiên một số nguyên tắc của mỗi nhóm có sự khác nhau về số lượng tiêu chí, chỉ số và bằng chứng. Một số quy định áp dụng cho Hộ gia đình đơn giản hơn so với Tổ chức. Sự khác biệt quan trọng nhất thể hiện tại Nguyên tắc I, IV và VII, cụ thể như sau:

– Nguyên tắc I. Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, quản lý, môi trường và xã hội: Cả LD cho Tổ chức và cho Hộ gia đình đều có 8 tiêu chí, nhưng các tiêu chí lại có sự khác nhau. Tiêu chí 1: Tuân thủ các quy định về khai thác chính gỗ rừng tự nhiên áp dụng cho Tổ chức và không áp dụng cho Hộ gia đình. Tiêu chí 7: Tuân thủ các quy định về khai thác gỗ rừng trồng trong vườn nhà, trang trại và cây phân tán áp dụng cho Hộ gia đình và không áp dụng cho Tổ chức (mô tả chi tiết dưới đây).

– Nguyên tắc IV. Tuân thủ các quy định về vận chuyển và buôn bán gỗ: LD áp dụng cho Tổ chức gồm 10 tiêu chí và LD áp dụng cho Hộ gia đình gồm 7 tiêu chí. Các tiêu chí bổ sung của LD cho Tổ chức mà không áp dụng đối với Hộ gia đình liên quan đến việc tuân thủ các quy định về đăng ký doanh nghiệp, vận chuyển nội bộ gỗ, sản phẩm gỗ trong địa bàn một tỉnh và vận chuyển nội bộ gỗ, sản phẩm gỗ trên địa bàn khác tỉnh.

– Nguyên tắc VII. LD áp dụng cho Tổ chức bao gồm việc Tuân thủ các quy định về thuế và lao động (3 tiêu chí), trong khi LD áp dụng cho Hộ gia đình chỉ bao gồm việc Tuân thủ các quy định về thuế (1 tiêu chí). Điều này phản ánh sự khác biệt trong các quy định về lao động được áp dụng cho Hộ gia đình so với Tổ chức.

Trong LD và VNTLAS có sự phân biệt giữa bằng chứng tĩnh và bằng chứng động như mô tả tại Mục 4.1 của Phụ lục V. Bằng chứng tĩnh (viết tắt là “S” trong bảng ma trận LD) liên quan đến việc thành lập và hoạt động của tổ chức và hộ gia đình, bao gồm nhưng không giới hạn các bằng chứng như đăng ký doanh nghiệp, quyền sử dụng đất lâm nghiệp, các quy định về thuế, môi trường và lao động. Bằng chứng động (viết tắt là “D” trong bảng ma trận LD) liên quan đến lô gỗ trong chuỗi cung ứng bao gồm nhưng không giới hạn các bằng chứng như bảng kê lâm sản và các hóa đơn tài chính trong Hồ sơ lâm sản tại mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng.

Nguồn: toàn bộ nội dung trên được trích xuất từ VPA/FLEGT

By |2019-02-20T03:30:19+00:00February 18th, 2019|LD|0 Comments